“Không có công cụ thanh toán, không thu phí thành viên được” là câu trả lời chung cho câu hỏi vì sao TMĐT Việt Nam sau 10 năm triển khai vẫn chưa thực sự có vị trí trong đời sống.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài mạnh tay đầu tư hơn vào thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, như eBay góp vốn 20% vào Peacesoft, cổng thanh toán trực tuyến (TTTT) hàng đầu thế giới PayPal đã ký kết với Peacesoft… Tuy nhiên, theo những chuyên gia trong ngành, TMĐT tại Việt Nam vẫn chưa tiến xa so với cách đây 5 năm. Chạy theo tiềm năng của lĩnh vực này, nhiều DN như “đuổi hình bắt bóng”, đã phải bỏ cuộc chơi với rất nhiều tiền.“Không có công cụ thanh toán, không thu phí thành viên được” là câu trả lời chung cho câu hỏi vì sao TMĐT Việt Nam sau 10 năm triển khai vẫn chưa thực sự có vị trí trong đời sống. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều website TMĐT đình đám một thời.
B2B: Ra đi không kèn trống
Website gophatdat.com (do Công ty Tiên Phong quản lý) một thời từng được xem là “Alibaba của Việt Nam”, đã mang lại hy vọng bùng nổ TMĐT B2B (DN – DN) tại Việt Nam.
Có thời gian website này có tới 17.000 thành viên trong 23 lĩnh vực với gần 9.000 chủng loại sản phẩm. Hy vọng của gophatdat.com được hiện thực hóa bằng đầu tư hàng triệu USD của Quỹ Đầu tư DFJ VinaCapital.
|
Cũng như gophatdat.com, dạo quanh các website B2B khác như: vietgo.com, b2bvietnam.com, vietnamb2b.com, vnemart.com, daugia247.com, marofin.com… đều ở tình trạng không thể truy cập. Sau một thời gian phát triển rầm rộ, các website đình đám này đều ra đi không kèn không trống.
Hiện nay, các đơn vị quản lý sàn đều đang đứng trước yêu cầu tự hạch toán kinh doanh, tạo nguồn thu để đảm bảo sự phát triển bền vững hơn trong tương lai. Duy chỉ có Vinalink được Alibaba (mạng B2B lớn nhất của Trung Quốc) lựa chọn là đối tác chính thức tại Việt Nam. Đây là một thực trạng đáng tiếc trong khi chỉ số TMĐT của Việt Nam từ năm 2004 là 4%, và đến nay là 14 -15%, một con số rất tiềm năng.
Gophatdat.com không tiếc tiền tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với mục tiêu kết nối khách hàng trong mạng lưới. Thế nhưng, “ai đã từng kinh doanh mới hiểu, tìm được một hợp đồng từ đối tác nước ngoài không phải là chuyện đơn giản.
Chúng tôi cũng nỗ lực hỗ trợ DN đàm phán, giao kết hợp đồng trực tuyến và tuyển hàng chục nhân viên để theo dõi tiến trình thực hiện hợp đồng, nhưng kết quả không đi đến đâu vì DN không có thói quen sử dụng TMĐT…”, dù không muốn nhắc lại thất bại, nhưng nhân vật sáng lập gophatdat.com cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm như vậy.
Một thị trường B2B Việt Nam đầy tiềm năng còn bỏ ngỏ nhưng đầy thách thức sẽ làm chùn chân bất cứ ai có hoài bão và tham vọng gia nhập thị trường này.
B2C, C2C: Chợ cóc lấn sàn
Dạo một vòng quanh các trang cung cấp dịch vụ TMĐT hiện nay, điều dễ thấy nhất là sự phát triển lệch hẳn sang hình thức C2C (khách hàng – khách hàng). Điểm mặt những tên tuổi lớn như: Chodientu, enbac, rongbay, 123Mua.vn, Vatgia … thì thấy đều đang triển khai hình thức này.
Điều bất ngờ là Alibaba vẫn hoạt động khá tốt tại Việt Nam thông qua OSB – đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam. Có DN như Công ty CP Sơn Sun xuất khẩu được 14 triệu USD qua Alibaba.com trong 6 tháng đầu năm 2011. Điều này cho thấy, tiềm năng của kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam là có thật. Vấn đề chỉ là cách thức khai thác.
|
Thao tác đơn giản, người dùng chủ động nên mức độ phát triển thành viên của những trang dịch vụ này khá cao. Thành viên của 5giay.vn đã lên đến gần 600.000.
Sau gần 6 năm hoạt động, 123Mua.vn đạt được hơn 250.000 thành viên và 50.000 cửa hàng đăng bán. Với chodientu, con số này còn kỷ lục hơn, với 3.000 nhà cung cấp và hàng triệu người mua hàng.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft – đơn vị quản lý chodientu.vn), nhận định: “TMĐT đã có những bước tiến nhảy vọt trong thời gian gần đây. Không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, TMĐT còn phát triển ở khắp các tỉnh thành cả nước”.
Tuy nhiên, trái ngược với sự phát triển về mặt người dùng của những trang dịch vụ TMĐT, những đơn vị kinh doanh trực tuyến (B2C) lại không gặp nhiều thuận lợi, dẫu rằng đầu tư của DN đổ ra không phải là ít.
Ông Hồ Phạm Tấn Vũ, Giám đốc Điều hành STN Corp., chủ sở hữu sieuthinhanh.com, cho biết, đơn vị này đi vào hoạt động từ năm 2007, dù rất cố gắng đầu tư, nhưng đến nay vẫn hoạt động ở mức độ trung bình. Trong ba năm đầu tiên, sieuthinhanh.com chỉ cố gắng phổ biến thương hiệu đến người dùng.
Vẫn cần thêm thời gian để tiếp cận người dùng TMĐT. Đồng cảnh ngộ, ông Trần Lê Nhật Quốc, chủ sở hữu giaremoingay.com cũng cho biết, tình hình kinh doanh trực tuyến hiện nay không phát triển như ý dù website áp dụng chính sách giá rẻ mỗi ngày để thu hút khách hàng.
Khác với các sàn giao dịch TMĐT, kinh doanh trực tuyến buộc DN phải có nhân lực nhiều hơn, bởi ngoài công tác trên website, DN còn phải đảm nhận cả phần giao nhận hàng.
Thế nhưng, theo ông Lưu Thanh Phương, Giám đốc Công ty Nhật Nguyệt, chủ sở hữu 5giay.vn, giao dịch B2C chỉ chiếm 3/10 lượng giao dịch hiện nay. Phần còn lại thuộc về các giao dịch C2C. Đầu tư nhiều hơn, số lượng người tham gia ít hơn hẳn so với các sàn giao dịch, DN đi theo hình thức kinh doanh B2C không bứt phá được cũng là chuyện dễ hiểu.
Vẫn còn ở thì tương lai?
“Không có công cụ thanh toán” là lý do bất cứ DN nào cũng khẳng định khi được hỏi về nguyên nhân TMĐT Việt Nam 10 năm qua vẫn còn ì ạch.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Sản phẩm 123Mua cho biết: “Một trong những khó khăn lớn nhất chính là nền tảng và hạ tầng TTTT của Việt Nam cho đến gần đây vẫn chưa phong phú, tiện lợi, và đặc biệt là chưa tạo được độ tin cậy từ phía người mua hàng.
Khi người mua hàng chưa thấy được sự tiện lợi của việc mua hàng trực tuyến, DN cũng sẽ ít mặn mà và chậm hơn trong việc bắt theo trào lưu mới”.
Ngân hàng đứng ngoài cuộc chơi suốt chiều dài của TMĐT Việt Nam, đến tận bây giờ mới bắt đầu triển khai các ví điện tử. Điều này khiến người trong cuộc phải tự thân vận động. 123Mua giao dịch nhờ tài khoản Zing Pay, Chợ Điện Tử có Ngân lượng nhưng hình thức thanh toán phổ biến nhất vẫn là… tiền mặt.
“Dù có được đảm bảo từ nhà cung cấp dịch vụ, nhưng sự bất tiện trong việc sử dụng thẻ cào, chuyển tiền thật qua tiền ảo rồi mới giao dịch khiến tâm lý người dùng không thoải mái”, ông Lưu Thanh Phương chia sẻ.
Đơn cử như mua một món hàng trị giá 600.000 đồng, người dùng phải mua đến 5, 6 thẻ cào, nạp mã số… rất mất thời gian. Chưa kể đến việc các điểm mua thẻ cũng chưa thực sự phổ biến.
Bên cạnh đó, yếu tố thị trường cũng là một rào cản đáng kể. “Khác với các nước, thị trường Việt Nam tràn ngập hàng gian, hàng giả. Điều này dẫn đến tâm lý người mua hàng phải xem tận mắt, sờ tận tay”, ông Hồ Phạm Tấn Vũ nhận định. Cũng theo ông Vũ, việc các giao dịch C2C phổ biến mà trong đó số người bán hàng không uy tín, vô trách nhiệm… không nhỏ cũng dẫn đến việc hình thành tâm lý e ngại TMĐT.
Với chừng ấy rào cản, DN kinh doanh TMĐT dù với hình thức nào cũng chưa thể “cất cánh”. “TMĐT là câu chuyện của tương lai”, ông Vũ thừa nhận. Như vậy, bước đầu tư của các DN hiện nay vẫn là những bước để đón đầu. Bởi vì, với số lượng người dùng internet lên đến hơn 21 triệu, tiềm năng phát triển loại hình thương mại này là rất lớn.
Như lời ông Nguyễn Hòa Bình, TMĐT có thể phát triển từ 15 – 20 lần trong vòng 5 năm tới. Tất nhiên, để làm được điều này, phải giải quyết bài toán lòng tin từ phía người mua. Và, sự ra đời của các ví điện tử là khâu mấu chốt giải quyết sự bùng nổ của TMĐT tại Việt Nam.
Chodientu, enbac, rongbay, 123Mua.vn, Vatgia
Theo Phương Quyên
Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét